Với những người bình thường, các audiophile ("người yêu âm thanh" theo tiếng Latin) có thể hơi kì dị. Bạn có lẽ sẽ không thể hiểu được vì sao họ lại sẵn sàng đầu tư rất nhiều tiền vào các thiết bị nghe nhạc; vì sao họ ít khi cảm thấy thỏa mãn với những gì họ đang có hoặc vì sao họ lại thích những thứ đồ cổ lỗi thời hơn cả các trang thiết bị mới…
5 quan niệm sai lầm về các tín đồ âm thanh
Nhìn chung, những người bình thường sẽ có rất nhiều quan niệm khác biệt nhau về các tín đồ âm thanh và cũng thường coi các audiophile là những người… suy nghĩ không bình thường. Nhưng, các audiophile thực chất cũng chỉ là… con người và thay vì đam mê đọc sách, xem phim hay nuôi cây cảnh thì họ dành toàn bộ sự chú ý cho đĩa nhạc của họ. Điều tạo nên một tín đồ âm thanh không phải là những chiếc loa, tai nghe, amply họ có mà là mức độ đầu tư của họ đối với trải nghiệm âm nhạc.
Sau đây, hãy cùng điểm qua 5 quan niệm phổ biến nhất về các audiophile do trang công nghệ Cnet tổng hợp lại.
1. Các tín đồ âm thanh toàn là những người giàu có?
Không hẳn vậy. Gần như toàn bộ các hãng âm thanh lớn đều đưa ra những lựa chọn tương đối dễ tiếp cận, đặc biệt là trên thị trường tai nghe. Ví dụ, Grado có iGi và iGrado, AKG có K420, Sennheiser có HD439, Sony có STH30 v…v…
Thậm chí, những chiếc tai nghe giá siêu rẻ như Koss KSC75 (giá vào khoảng 600.000 đồng) hay tai nghe Việt Notes Audio NT.100 (550.000 đồng cho bản Simple) cũng sẽ mang trải nghiệm âm thanh tốt tới những người hạn hẹp kinh phí.
2. Audiophile chơi dàn máy sẽ đầu tư rất nhiều vào dây nối?
Không phải lúc nào điều này cũng là sự thật. Một số hệ thống âm thanh sẽ bị ảnh hưởng đáng kể bởi dây nối, do đó những người sở hữu các hệ thống này có thể bỏ ra hàng triệu đồng để đầu tư các loại dây "xịn". Ngược lại, với các hệ thống không quá cao cấp, các lựa chọn dây nối giá rẻ từ hãng tên tuổi (như Canare) cũng vẫn là quá đủ.
Vấn đề cáp nối đã luôn gây tranh cãi trong cộng đồng âm thanh, nhưng những quyết định chính xác nhất vẫn sẽ đến từ đôi tai của người chơi – nếu như một cặp dây "xịn" không thể làm nên khác biệt cho hệ thống của họ, ngay cả các audiophile cầu toàn nhất cũng sẽ lựa chọn dây nối giá rẻ.
3. Các audiophile không thích âm thanh điện tử?
Điều này là hoàn toàn không chính xác. Trái lại, trong thời đại mà đĩa CD thậm chí còn thất thế trước MP3 và FLAC, nhạc số đang chiếm ưu thế. Thế nhưng cộng đồng chơi đĩa than (đĩa nhựa vinyl) vẫn khá đông đảo và cũng phải thừa nhận rằng họ là các tín đồ cuồng tín nhất của thế giới âm thanh. Những người này cũng không phải là vô lý, bởi các tín hiệu âm thanh được lưu ở dạng analog cũng sẽ là những tín hiệu "nguyên bản" nhất, do âm thanh số sẽ phải được giải mã ra tín hiệu analog để phát trên loa hoặc tai nghe.
4. Audiophile thì phải chơi loa cỡ lớn?
Nếu bạn thấy ai đó có dàn loa to bằng tủ lạnh thì chắc chắn người này là một tín đồ âm thanh, nhưng ngược lại, ngày càng nhiều các fan âm thanh tìm đến những chiếc tai nghe hoặc loa bookshelf (loa cỡ nhỏ) chất lượng cao. Một vài lựa chọn loa cỡ nhỏ như KEF LS50, TAD Evolution One, Technics SB-C700 hoặc những chiếc tai nghe như Grado SR325e, Sennheiser HD650, Etymotic ER4 rõ ràng là dành cho những người sành âm thanh nhất.
5. Audiophile quan tâm đến thiết bị hơn là âm nhạc?
Đây không phải là một quan niệm sai lầm hoàn toàn, bởi với con người thì loa và tai nghe vẫn là cánh cửa dẫn tới âm nhạc. Thiết bị âm thanh càng tốt thì âm nhạc sẽ càng hay. Các audiophile sẽ rất thích được nghe những bài hát quen thuộc trên các thiết bị mới – bằng cách này, họ sẽ khám phá ra những khía cạnh, sắc thái mới trên những giai điệu cũ.
Hoặc, bạn cũng có thể cảm thấy vui sướng khi mua được một chiếc loa/tai nghe giá mềm nhưng lại đáp ứng hết tất cả các nhu cầu của bạn. Tuy vậy, chất âm vẫn là yếu tố cốt lõi nhất, bởi nếu không yêu thích một nghệ sĩ nào thì bạn cũng khó lòng đầu tư thời gian, công sức vào thiết bị âm thanh và tìm thấy những niềm vui audiophile "đặc trưng" như vậy.